Mã số N3005: Chuỗi bài Xây dựng hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này.

Ðể tiếp tục tạo động lực mới, bền vững cho tăng trưởng kinh tế, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, thành phố Hồ Chí Minh đang có kế hoạch xây dựng hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Hệ sinh thái này không chỉ phục vụ cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp FDI… mà còn là xương sống cho nền sản xuất hiện đại của thành phố. 

Trưng bày các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh.

Bài 1: Dần khẳng định vị thế

Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tập trung đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ để làm đòn bẩy đột phá phát triển kinh tế. Qua đó, nhiều sản phẩm công nghệip hỗ trợ trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của ngành. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, ngành chưa tạo được động lực thúc đẩy công nghiệp thành phố phát triển nhanh, bền vững. 

Trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế, thành phố xác định ngành công nghiệp hỗ trợ là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế thành phố. Và thực tế, thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ đã phát huy được vai trò bổ trợ cho các hoạt động sản xuất, nhất là cho ngành công nghiệp công nghệ cao.

Gia tăng chuỗi cung ứng nội địa

Với sự hỗ trợ của Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SHTP), Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên nhận được chuyển giao công nghệ từ đối tác Hàn Quốc để triển khai dự án đầu tư xây dựng khu nghiên cứu-ứng dụng và sản xuất công nghệ cao Phước Thành với tổng vốn đầu tư hơn 79 triệu USD. Dự án nhằm tham gia chuỗi cung ứng cho nhà máy Samsung SEHC trong SHTP, tiến tới tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Với nỗ lực trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn lớn, Minh Nguyên đã tích cực thực hiện chương trình cải tiến kỹ thuật, trong đó tập trung vào việc thiết lập tiêu chuẩn quản lý, nâng cao năng suất thiết bị, hạn chế lãng phí trong các công đoạn sản xuất. Với chương trình cải tiến này, Minh Nguyên đã tăng hiệu suất sản xuất, giảm thời gian tồn kho, đồng thời doanh thu tăng 14 lần so với trước đây. Hiện, Minh Nguyên đã trở thành doanh nghiệp cung ứng trực tiếp cho Samsung tại SHTP.

Việc thu hút thành công các công ty, tập đoàn lớn có tác động lan tỏa, kéo theo một loạt các nhà đầu tư về cung ứng nội địa đầu tư vào SHTP, giúp thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng nội địa-công nghiệp hỗ trợ của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Tính đến cuối năm 2021, khu công nghiệp này thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ được 26 dự án với tổng vốn đầu tư gần 513 triệu USD, trong đó có 14 dự án trong nước (tổng vốn hơn 163 triệu USD), 12 dự án FDI (tổng vốn hơn 349 triệu USD). Hiệu suất đầu tư trên diện tích đất đạt 10,2 triệu USD/ha, suất đầu tư này còn tăng lên khi diện tích nhà xưởng cao tầng cho thuê được lấp đầy. Qua đó, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã đóng góp vào tổng giá trị thu hút đầu tư vào SHTP là 7,6%, góp phần hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ hoàn chỉnh, tạo môi trường sản xuất công nghệ cao lý tưởng cho các doanh nghiệp FDI và tạo sức hấp dẫn để thu hút đầu tư dự án công nghệ cao mới trong tương lai.

Theo thống kê, nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của thành phố đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, như sản phẩm khuôn mẫu chính xác cao của Công ty Lập Phúc cung cấp cho Colgate; Công ty TNHH sản xuất Hiệp Phước Thành, Công ty cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên đã tham gia được vào chuỗi sản phẩm của Samsung; Công ty Cao-su TNHH MTV Thống Nhất, Công ty TNHH CNS Amura Precision sản xuất linh kiện nhựa cho nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 của các công ty ô-tô… Ðây là những bước khởi đầu đáng khích lệ để ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố có bước tiến cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chưa tạo được "bệ đỡ"

Tuy đạt được những kết quả quan trọng, nhưng công nghiệp hỗ trợ của thành phố vẫn chưa đạt như kỳ vọng, chưa tạo được "bệ đỡ" cho công nghiệp phát triển nhanh, bền vững. Công nghiệp hỗ trợ chủ yếu phục vụ sản xuất sản phẩm với công nghệ đơn giản, phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; tính liên kết giữa các doanh nghiệp chưa cao; việc phân bổ mặt bằng sản xuất, quỹ đất dành cho công nghiệp hỗ trợ chưa phù hợp nhu cầu doanh nghiệp. Các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện hữu của thành phố (17 khu công nghiệp, khu chế xuất) chưa phát huy được tính đổi mới sáng tạo, chậm chuyển đổi mô hình hoạt động, còn thâm dụng lao động, tỷ lệ nội địa hóa chưa cao, chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại là nhập khẩu. Và chưa tạo ra hệ sinh thái đồng bộ, kết nối trong chuỗi các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ.

GS,TS Nguyễn Trọng Hoài, Trường đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Khoa học thành phố đánh giá: Các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố thuộc mô hình hỗn hợp và đa ngành, có rất ít khu có mô hình vườn ươm. Thành phố thực chất đã bước vào giai đoạn hậu công nghiệp khi GRDP nằm trong khoảng 5.000-6.000 USD/người, nhưng các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa thật sự hoạt động dựa trên động lực hiệu quả và đổi mới sáng tạo. Các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn chủ yếu thâm dụng lao động ít kỹ năng, trình độ công nghệ phần lớn các doanh nghiệp vẫn ở mức trung bình, kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông trong bối cảnh siêu đô thị đã gây tắc nghẽn, dẫn đến chi phí logistics cao, tính kết nối các doanh nghiệp trong nước và FDI yếu trong việc cung ứng các linh kiện theo chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ toàn cầu. Nếu các khu công nghiệp, khu chế xuất chậm chuyển đổi qua hoạt động dựa trên hiệu quả, đổi mới sáng tạo thì giai đoạn hậu công nghiệp sẽ vẫn dậm chân tại chỗ, dẫn đến không hiệu quả cho các nhà đầu tư thứ cấp, đặc biệt không tạo ra động lực tăng trưởng mới cho thành phố từ công nghiệp trong 10-20 năm tới.

Trong khi đó, TS Huỳnh Thanh Ðiền, Trường đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng: Các ngành thâm dụng lao động không còn phù hợp, sản xuất sản phẩm đầu cuối công nghệ cao còn quá tầm so với nền kinh tế thành phố. Việc thu hút công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao là phù hợp nhất đối với bối cảnh hiện nay của thành phố. Hiện, công nghiệp hỗ trợ của thành phố còn nhỏ, chủ yếu phục vụ sản xuất sản phẩm với yêu cầu công nghệ đơn giản, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị, phần lớn các sản phẩm hỗ trợ cho ngành phụ thuộc vào nhập khẩu. Quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố đang gặp phải nhiều hạn chế về công nghệ, kết nối giữa bên cung cấp và bên có nhu cầu, chính sách hỗ trợ, chất lượng nguồn nhân lực. Ðặc biệt, thành phố còn thiếu các khu phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao để làm bàn đạp phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao.

Link tham khảo: https://nhandan.vn/tin-chung1/xay-dung-he-sinh-thai-cong-nghiep-ho-tro-687880/

Ngày xuất bản: 03/03/2022



Sản xuất tại Công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long, Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh.

Bài 2: Hướng đi mới cho công nghiệp hỗ trợ

Ðể công nghiệp hỗ trợ phát triển hiệu quả, thành phố Hồ Chí Minh cần tạo hướng đi mới, trong đó cần xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao theo mô hình chuyên sâu, liên kết thành chuỗi, tạo thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Ðồng thời, cơ cấu lại những khu công nghiệp hiện có theo hướng thân thiện với môi trường, chuyển đổi công nghệ và ít thâm dụng lao động.

Hiện, ở Việt Nam hầu như chưa có các khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tại thành phố là chủ trương mang tính cấp thiết và khả thi cao, nhất là trong bối cảnh hậu Covid -19 khi làn sóng chuyển dịch tìm kiếm nguồn cung cấp mới cho các ngành công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ.

Những nút thắt cần tháo gỡ

Có nhiều khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Khó khăn nhất và điểm yếu cố hữu là chính sách cho phép doanh nghiệp lập quỹ phát triển công nghệ trước thuế nhưng quy mô doanh nghiệp nhỏ nên quỹ phát triển công nghệ không tương ứng để nghiên cứu và phát triển. Ngoài ra, doanh nghiệp khá lúng túng trong việc chọn công nghệ, địa chỉ nhà cung ứng nào tin cậy để mua. Thông tin trên mạng xã hội thì nhiều nhưng đâu là chuẩn để hạn chế rủi ro, chế độ bảo hành, huấn luyện, chuyển giao công nghệ… nếu không có sự giới thiệu tin cậy thì không dám đầu tư. Mặt bằng sản xuất tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao của thành phố cơ bản đã được lấp đầy nên khó kiếm được đất đai để đầu tư các dự án mới. Việc tiếp cận nguồn vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là vấn đề nan giải...

Ðể ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi kiến tạo được thị trường trong và ngoài nước có nhu cầu sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp thì ngành công nghiệp hỗ trợ mới có nền tảng phát triển được. Về chính sách, các cơ quan chức năng nên bổ sung ưu đãi cho doanh nghiệp ứng dụng toàn phần hoặc từng phần công nghệ cao (trang thiết bị công nghệ cao, nguyên vật liệu là sản phẩm công nghệ cao, giải pháp công nghệ cao…) trong sản xuất. Thành phố cần phân công một cơ quan nghiên cứu, cung cấp thông tin chính xác, tin cậy và có trách nhiệm về công nghệ cao cho doanh nghiệp lựa chọn và ứng dụng. Ðồng thời, trợ giá một phần tiền thuê đất cho doanh nghiệp để phát triển ứng dụng công nghệ cao... Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng, nhận thức được điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển công nghiệp hỗ trợ, tác động đến sự phát triển công nghiệp thành phố, thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện các chủ trương giảm các ngành nghề thâm dụng lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành… thành phố đã chuẩn bị hơn 300 ha đất để xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, hình thành những doanh nghiệp thiết kế, sản xuất, cùng liên kết để cung cấp sản phẩm ứng dụng công nghệ cao cho công nghiệp hỗ trợ. Thành phố nhìn nhận mô hình khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tuy là mô hình phổ biến và đã phát huy hiệu quả tại các nước trên thế giới như Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan… nhưng vẫn còn là vấn đề mới, các vấn đề về cơ chế hoạt động, thu hút đầu tư, mô hình vận hành, quản lý chưa được quy định cụ thể.

Tìm cách tiếp cận mới

Ðối với thành phố, do đất đai cho sản xuất công nghiệp quy mô lớn không còn nên mô hình khu công nghiệp kiểu cũ chắc chắn là không phù hợp. Việc thành phố muốn phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao là bức thiết, nếu như không muốn nói là quá muộn. Song, tiếp cận mô hình khu công nghiệp kiểu mới này thế nào mới là quan trọng, nếu xây dựng mô hình khu công nghiệp theo kiểu "bình mới rượu cũ" thì thất bại là rất rõ. Ông Ðỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright nhấn mạnh: Với mô hình khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới, thành phố nên có cách tiếp cận mới, mở hơn, tầm nhìn xa hơn và toàn cầu hơn. Mô hình khu công nghiệp đó không phải là vài trăm héc-ta với phép cộng số lượng doanh nghiệp và vốn đầu tư theo cách cơ học. Mô hình đó phải tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn trên một đơn vị diện tích, phải lan tỏa giá trị ra toàn nền kinh tế, tạo ra việc làm có năng suất, chất lượng với thu nhập cao hơn. Nói chung, có nhiều mục tiêu cho mô hình khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao như khuyến khích phát triển kinh tế; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ; học hỏi và cải tiến công nghệ; chọn lọc ngành, chia sẻ thông tin và hợp tác, cải thiện năng suất và thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp. Trong khi đó, TS Huỳnh Thanh Ðiền, Trường đại học Nguyễn Tất Thành gợi mở: Các đô thị lớn giữ vai trò quan trọng trong việc chuỗi liên kết, nên dành quỹ đất thích hợp cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi liên kết ngành, tạo thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ. Thành phố không phù hợp cho các ngành thâm dụng lao động nên cần tập trung phát triển các công đoạn mấu chốt của chuỗi giá trị ngành, những công đoạn sử dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và giữ vai trò thúc đẩy phát triển các công đoạn khác. Việc quy hoạch khu, cụm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao cần tính đến khả năng tạo chuỗi liên kết ngành cho doanh nghiệp nội tham gia, cần xây dựng các mô hình mẫu tổ chức sản xuất ở các ngành từ khâu nghiên cứu thị trường, thiết kế sản phẩm, tổ chức doanh nghiệp vệ tinh sản xuất các chi tiết, linh kiện… đến thiết lập hệ thống phân phối ra thị trường. Các cơ chế chính sách trọng tâm vào hỗ trợ, ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành hoạt động trong tất cả các khâu đầu tư nghiên cứu, thiết kế, cung ứng sản phẩm phụ trợ, phân phối.

Cùng với đó, thành phố phải thúc đẩy các sáng kiến liên kết vùng, hợp tác toàn cầu về chính sách công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, không chỉ bó hẹp phạm vi trong địa giới hành chính của thành phố mà phải tiếp cận theo hướng mở rộng ra toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, trực tiếp liên kết công nghiệp với các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu... Hợp tác quốc tế là chiến lược không thể xem nhẹ nhằm tăng khả năng hấp thụ tri thức và công nghệ, tăng cường kết nối với các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), các viện nghiên cứu hàng đầu thế giới và kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu. TS Trương Thị Chí Bình, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương), đồng thời là Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng: Do chi phí thuê mặt bằng tại thành phố và các tỉnh lân cận ngày càng tăng cao, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn sau đại dịch, cơ hội cho doanh nghiệp chế tạo thuần Việt tham gia vào khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao ngày càng hạn chế. Do vậy, với chủ trương này, thành phố cần cân nhắc các điểm ưu tiên chính, trong đó giá thuê đất, đối tượng thu hút đầu tư và các dịch vụ cần cung ứng của khu công nghiệp hỗ trợ này là những điểm cần được quan tâm nhất.


Link tham khảo: https://nhandan.vn/tin-chung1/xay-dung-he-sinh-thai-cong-nghiep-ho-tro-tiep-theo-va-het--688333/

Ngày xuất bản: 08/03/2022

Thông tin

Tên tác giả: CAO TÂN

Báo Nhân dân

Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông